Tổ chức thể thao điện tử GAM chuyển mình chuyên nghiệp dưới sự đầu tư bài bản của giới chủ giàu kinh nghiệm.
Tối ngày 9.9.2023, rạp lớn nhất của Lotte Cinema Gò Vấp chật kín dù không phải sự kiện công chiếu của một bộ phim bom tấn nào. Mặc áo đấu, mang cờ quạt, bằng rôn, 620 khán giả đều là cổ động viên thể thao điện tử (eSports) đến tham gia buổi xem chung (viewing party) trận chung kết giải Liên Minh Huyền Thoại VCS Hoàng Hôn 2023. Dưới sân khấu, hoạt náo viên hâm nóng bầu không khí bằng các trò chơi tập thể, trình diễn các màn hóa trang nhân vật trong game (cosplay). Trận đấu được truyền trực tiếp trên màn hình lớn, hàng trăm người hâm mộ họ reo theo từng pha đấu giữa hai đội tuyển mạnh nhất mùa: GAM eSports va Team Whale.
“Đối với một người hàm mộ, không có trải nghiệm nào có thể sánh bằng việc cùng xem thi đấu ở sân hoặc các buổi cổ vũ tập thế như thế này, TK Nguyễn, CEO NRG Asia – chủ sở hữu GAM eSports, nói với Forbes Việt Nam ngay sau khi sự kiện vừa kết thúc. Là người lên nhiều ý tưởng đổi mới tại GAM eSports, TK cũng là hoạt náo viên chính của đội trong mọi dịp, bao gồm series “tiệc xem chung” trước đó. Theo anh, việc tổ chức các chuỗi sự kiện nhằm tạo điểm chạm kết nối cảm xúc giữa cộng đồng, giữa người hâm mộ với đội tuyển. Trong hệ sinh thái ngành game eSports, màn thi đấu thể thao điện tử có sự cổ vũ cuồng nhiệt của những người hâm mộ đưa ngành công nghiệp game ngày càng trở nên đại chúng hơn.
Được NRG.Asia mua lại năm 2021 và nhận vốn từ những nhà dầu tư có kinh nghiệm trong lĩnh vực thể thao giải trí, GAM eSports là đội tuyển có thành tích xuất sắc trong bộ môn Liên Minh Huyền Thoại tại Việt Nam. Họ tích cực đổi mới, phát triển hướng tới mô hình kinh doanh bền vững hơn trong ngành eSports, một ngành tuy tiềm năng lớn nhưng còn rất sơ khai.
Cùng bỏ vốn mua lại đội game GAM có quỹ CMG.Asia và cá nhân CEO TK Nguyễn, với tổng số tiền hai triệu đô la Mỹ. Chủ tịch CMG.Asia la Randy Dobson, từng xuất hiện trên Forbes Viet Nam số 45, nổi danh trong giới đầu tư sau khi bán lại chuỗi phòng tập California Fitness & Yoga năm 2018. Về phần mình, TK Nguyễn cũng đang tìm kiếm cơ hội mới sau khi thành công với mảng kinh doanh giải trí về đêm (nightlife).
Không phải là fan của trò chơi điện tử, nhưng TK và Randy vô tình tham dự một trận đấu tại giải MSI, giải đấu lớn thứ hai của bộ môn Liên Minh Huyền Thoại tại Đài Loan. TK Nguyễn kể lại: “Chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra eSports có thể hấp dẫn như thế, hàng ngàn người chen kín nhà thi đấu, cổ vũ cho các trận đấu, các game thủ là những ngôi sao có hàng dài người hâm mộ chờ xin chữ ký, mua vật phẩm và áo đấu để ủng hộ. Trở về từ bầu không khí cuồng nhiệt này, Randy và TK tìm hiểu thêm về eSports, nhanh chóng nhận ra tiềm năng khổng lồ và nung nấu quyết định bỏ tiền vào lĩnh vực này.
Theo số liệu từ Nikkei (tháng 10.2022) và eSports Insider (tháng 5.2023), số người hâm mộ eSports tại Việt Nam ước tính trên 13 triệu người. Đáng chú ý, Việt Nam chiếm đến 30% con số người hâm mộ của cả khu vực Đông Nam Á. Thêm vào đó, số người theo dõi eSports tăng trưởng nhanh, khoảng 10% mỗi năm, cùng với sự bùng nó của internet tốc độ cao và sự phổ biến của thiết bị di động. Riêng với game Liên Minh Huyền Thoại, số liệu từ giải vô địch quốc gia VCS cho thấy, Việt Nam tiếp tục bỏ xa các nước Đông Nam Á, đứng thứ ba thế giới về lượng người theo dõi, chỉ sau thánh địa game Trung Quốc và thị trường phát triển khai sinh ra eSports là Hàn Quốc.
Khi Randy và TK Nguyễn xem xét các đội tuyển tiềm năng, GAM eSports (tên cũ Gigabyte Marines) là ứng viên hàng đầu. GAM luôn giữ vị trí đội Liên Minh Huyền Thoại giàu thành tích bậc nhất của Việt Nam, với chín lần vô địch quốc gia tính đến hiện tại, là một trong những đội mạnh nhất Đông Nam Á giai đoạn 2013-2018.
CEO TK Nguyễn và Randy Robson (đứng giữa) mừng chức vô địch cùng GAM
Năm 2018, GAM là chú ngựa ô nổi danh trong cộng đồng Liên Minh Huyền Thoại khi thắng ngoạn mục hàng loạt tên tuổi lớn, ngay trong lần đầu tham dự Chung kết Thế giới (giải Worlds 2017), giúp cho GAM sở hữu một lượng fan ở nước ngoài.
Trong thương vụ mua GAM eSports có giá trị được cho là khoảng 200 ngàn đô la Mỹ từ Yup.gg một công ty eSport có trụ sở tại Singapore, CMG. Asia mời gọi tổ chức eSports NRG có trụ sở ở Mỹ tham gia. Vai trò chính của NRG là nhượng quyền thương hiệu, cung cấp các mô hình, chiến lược kinh doanh eSports và tham vấn cho công ty quản lý mới, với thương hiệu NRG.Asia.
Sự kết hợp giữa kiến thức từ NRG Bắc Mỹ và kinh nghiệm thành công trong việc đầu tư vào startup tại Việt Nam đã giúp GAM trở thành đơn vị chuyên nghiệp hơn và tiên phong thí nghiệm mô hình kinh doanh bền vững cho lĩnh vực eSports trong nước.
Tuy đang lỗ lũy kế, TK Nguyễn cho hay NRG. Asia dự kiến sẽ hòa vốn trong năm 2023. Dù vậy đây vẫn là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh eSports Việt Nam cũng như thế giới đang loay hoay tìm lối ra khi các nguồn tài trợ dần eo hẹp. Trong đó, phần lớn thu nhập của công ty đến từ các hợp đồng quảng cáo và tài trợ, chiếm 55%. Doanh thu từ tiền thưởng giải đấu chiếm khoảng 20%, kinh doanh áo đấu và đồ lưu niệm đóng góp 10%; các hoạt động sự kiện góp 10-15% phần còn lại. Trong bộ môn Liên Minh Huyền Thoại, người hâm mộ vừa nhận tin buồn khi Saigon Buffaloes eSports, một trong những đội giàu thành tích nhất, đăng tin bán toàn bộ dội hình và suất thi đấu do khó khăn tài chính.
Đại diện nhà đầu tư, bà Phan Diệu Huyền, đối tác quản lý của CMG.Asia nói: “Từ các mô hình của NRG, chúng tôi đã nghiên cứu và triển khai nhiều phương cách kinh doanh để thúc dáy sự phát triển. Vai trò của TK Nguyễn rất quan trọng trong những kết nối với các thương hiệu, nhà tài trợ cũng như đơn vị tổ chức giải đấu.”
Sinh ra trong một gia đình gốc Việt ở San Diego, Mỹ, cha mẹ TK Nguyễn chưa bao giờ nghĩ đến việc con mình về lại Việt Nam sinh sống. Tự nhận mình có sự nhạy bén làm ăn, TK nhìn thấy tiềm năng cũng như tính sơ khai của thị trường giải trí — du lịch trong nước trong lần về Việt Nam hơn 10 năm trước. Cùng với em trai, TK mở quán bar sân thượng (skybar) tại một trong những khách sạn lớn nhất ở Nha Trang. Vóc người cao lớn, giọng nói vang, phong cách năng động, TK thường nổi bật trong vai trò hoạt náo viên của những buổi tiệc tùng hàng trăm người tham gia.
“Tôi ưa thích kết nối con người thông qua các hoạt động sự kiện, TK Nguyễn nói. Anh cho biết doanh thu từ quảng cáo và tài trợ cho GAM eSports năm 2023 tăng 2,5 lần so với năm trước. Từ tích lũy kinh nghiệm bản thân, các sự kiện cũng được tổ chức bài bản hơn. “Các buổi xem chung đều bán vé, đắt nhất lên đến cả triệu đồng đều được bán hết,” TK hồ hởi. Điểm chung giữa việc kinh doanh nightlife và eSports là yếu tố giải trí, cả hai đều cần mang đến cho khách hàng “những cảm xúc cao trào, đặc biệt”. Anh cho rằng eSports Việt nhiều tiềm năng nhưng vẫn còn là “mảnh đất hoang”. “Là người đi đầu, GAM có lợi thế sẽ được ủng hộ của cộng đồng và được đại diện cho eSports dần chuyên nghiệp hóa. Ngược lại cũng phải chịu rủi ro của việc ‘thử và sai’ để có kinh nghiệm,” TK phân tích.
Bên cạnh các sự kiện kết nối để tạo cơ hội tương tác và tận hưởng khoảnh khắc đặc biệt với cộng đồng người hàm mộ, TK Nguyễn cũng đẩy mạnh việc tạo hình ảnh thương hiệu cho GAM. Đội game ra bài hát chủ đề riêng Rise As One, truyền thông quảng bá về tổ chức trên các nền tảng mạng xã hội, thực hiện các chiến dịch quảng bá chung với nhà tài trợ. TK còn sáng tạo dấu hiệu tay (hand sign) lẫn các khẩu hiệu cổ vũ riêng cho đội.
Dấu hiệu tay của đội GAM Esports
“NRG.Asia sẽ sớm đổi tên thành GAM (Game and Media) Entertainment, trùng với tên đội để tăng tính địa phương, gắn kết cộng đồng người hâm mộ với đội game và cả công ty,” TK nói thêm. Họ cũng dự tính mở rộng thêm đội tuyển cho các tựa game trên điện thoại. Hiện tại, GAM chỉ mới có một đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại với bảy thành viên.
Đi kèm yếu tố hình ảnh, công ty đang đầu tư về chất lượng đội ngũ, theo TK: “Các tuyển thủ là những chiếc xe đua, cần phải được bảo dưỡng và nạp loại xăng tốt nhất. Các bạn ấy không thể thắng trong cơ thể yếu ớt và tinh thần rệu rã”. Xa hơn, TK hy vọng qua việc đầu tư vào tuyển thủ, GAM giảm bớt định kiến xã hội về eSports và game thủ chuyên nghiệp.
Năm 2017, cộng đồng game thế giới kinh ngạc khi thấy đội tuyển Việt Nam dự giải thế giới với những thiết bị chơi game lạc hậu. Ngôi sao sáng nhất của đội, “thần rừng” Levi, gây sốc với con chuột máy tính chừng trăm ngàn đồng, trở thành đề tài bàn tán khắp các diễn đàn eSports. Tám năm sau, Levi nhận đãi ngộ gấp mười lần một lập trình viên phần mềm có thâm niên, chưa tính phần thưởng giải đấu. Người nhận đãi ngộ thấp trong đội cũng có mức lương tháng ngang với lãnh đạo cấp giám đốc của những công ty tầm cỡ, theo số liệu nhà đầu tư cung cấp.
CMG.Asia đều lạc quan về tương lai của thương vụ đầu tư GAM. TK nói: “Thị trường eSports thế giới trị giá 1,4 tỉ đô la Mỹ, Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ, khoảng 5 triệu đô la Mỹ, dù đứng trong tốp về số người theo dõi”. Triển vọng là vậy nhưng trước mắt, GAM vẫn cần tiếp tục được bơm tiền. Họ tiêu hết 1,6 triệu đô la Mỹ hai năm qua và dự tính gọi vòng vốn tiếp theo năm triệu đô la Mỹ để hiện thực hóa các kế hoạch mà TK đang dẫn dắt.
Công ty cũng sẽ có một agency nội bộ khoảng 20 nhân sự chuyên xây dựng nội dung gốc cho GAM, tổ chức sự kiện, hợp tác với các thương hiệu địa phương để sản xuất tặng phẩm, đồ kỷ niệm chất lượng cao hơn và tập trung vào kinh doanh quảng cao. Laura Li, giám đốc eSports của Riot Games, đơn vị tổ chức giải Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam VCS từ năm 2023, cho biết GAM cũng là đối tác tích cực cùng họ thiết kế mô hình phân chia lợi nhuận mới, đảm bảo nguồn thu tài chính bền vững hơn cho các đội đấu.
Việc phát triển và mở rộng thị trường eSports dù nhiều tiềm năng, nhưng TK nói chỉ một mình anh với GAM không thể biến nó thành “gà đẻ trứng vàng” được. Cả thị trường đang dõi theo nỗ lực của công ty và anh hy vọng những gì GAM làm được cả trên phương diện kinh doanh lẫn thành tích thi đấu, sẽ tạo niềm cảm hứng cho cộng đồng kinh doanh eSports Việt Nam.
RIOT GAMES xắn tay xốc lại giải VCS
Riot Games là công ty phát triển và phát hành game thuộc tập đoàn Tencent Trung Quốc với sản phẩm chính là tựa game Liên Minh Huyền Thoại. Game chiến lược hành động thời gian thực (MOBA) này đã giữ vững ngôi số 1 thế giới sau hơn 14 năm ra mắt, xét về cả doanh thu lẫn lượng người chơi trên toàn cầu với trung bình 117 triệu người chơi mỗi tháng.
Trả lời phỏng vấn độc quyền Forbes Việt Nam, giám đốc eSports Laura Li cho biết Riot Games xem thị trường Việt Nam là trọng điểm đầu tư của công ty trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là nước duy nhất được Riot cho phép có giải đấu riêng (VCS), không phải thi đấu khu vực để giành vé đi chung kết thế giới.
Năm 2023, kết hợp với VNG, Riot Games thay thế Goreno trở thành đơn vị tổ chức VCS với đội ngũ 20 chuyên gia nước ngoài sang giám sát. Riot đầu tư hai trường quay tường thuật trực tiếp các trận đấu game có sức chứa 50 và 200 khán giả tại TP. HCM. VNG là đơn vị đảm nhận hạ tầng đường truyền, máy chủ và quảng bá tiếp thị cho giải đấu.
Theo Loura Li, Riot Games sẽ giới thiệu mô hình doanh thu mới, với điều khoản cho phép các đội tham gia được hưởng phần trong doanh thu quảng cáo lẫn bản quyền hình ảnh. Bên cạnh eSport, Riot Games đang làm việc với các đối tác để đưa hình ảnh game Liên Minh Huyền Thoại vào văn hóa đại chúng Việt Nam, điển hình như việc hợp tác với MBank ra mắt thẻ tín dụng Liên Minh Huyền Thoại.
Bài: Trọng Nam (Tạp chí Forbes Việt Nam)